Đối với trẻ em, cháo luôn là thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày. Vì vậy, trong bài viết dưới đây, DANAFISH sẽ cùng bạn khám phá các công thức tạo nên món cháo sò điệp cho bé ngọt thanh, bổ dưỡng mà lại còn giúp con ăn ngon miệng hơn.
Mẹo sơ chế làm sạch sò điệp hiệu quả
Khi lựa chọn hải sản làm nguyên liệu chế biến các món ăn thì quy trình làm sạch và khử mùi là vô cùng quan trọng. Đặc biệt với sò điệp là một loại động vật có vỏ nên các bước sơ chế cũng sẽ cầu kì và đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo hơn cả.
Sò tươi sống nên được ngâm với nước muối pha loãng trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tiếng để nhả bớt cát bùn. Sau đó mới tiến hành tách vỏ. Ở bước này, bạn nên lựa chọn những con dao sắc và có độ nhọn, tốt hơn cả là sử dụng dao chuyên dụng.
Tiếp đến bạn chỉ cần cạy miệng sò và tìm phần cơ nối để dễ dàng tách được 2 mảnh vỏ ra. Cuối cùng lướt nhẹ lưỡi dao xuống phía dưới để lấy phần thịt. Lưu ý: chỉ giữ lại cồi, gan và vây của sò điệp. Phần thịt đậm màu hay chính là ruột chứa khá nhiều cặn bẩn, không có giá trị dinh dưỡng thì cần loại bỏ.
Và để hoàn thành, bạn hãy rửa lại thịt sò một lần nữa với nước muối pha loãng. Kể cả đối với những mặt hàng đã sơ chế sẵn và được bảo quản đông lạnh thì bạn cũng không nên bỏ qua bước này. Sử dụng muối là một phương pháp cực kì hiệu quả không chỉ làm sạch hoàn toàn đất bùn mà còn làm dịu đi vị tanh và nồng của sò điệp.
Top 3 công thức cháo sò điệp cho bé nhiều dinh dưỡng, cực thơm ngon
Sò điệp là một loại hải sản rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là các bé. Tuy nhiên cũng do chứa nhiều chất, đặc biệt là đạm nên nếu ăn liên tục với lượng lớn cũng sẽ không hề tốt cho trẻ. Vì vậy, cháo sò điệp với liều lượng nguyên liệu vừa phải, kết hợp thêm rau củ và thực phẩm khác đã trở thành 1 món ăn cân dinh dưỡng và rất nên có trong menu cho con.
1. Cháo sò điệp với nấm
Phần cháo mềm, nóng hổi với sò điệp ngọt thịt và nấm hương thơm lừng hay nấm đùi gà beo béo sẽ thực sự là một sự kết hợp hoàn hảo. Hơn thế, cách bước chế biến cũng cực kì đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian của các mẹ.
Các nguyên liệu cần có
- Gạo: 200 gam (8 phần gạo tẻ, 2 phần gạo nếp)
- Sò điệp tươi/cồi sò điệp: 1 kg/500 gam
- Nấm hương/nấm đùi gà: 200 gam
- Hành lá: 4 – 5 nhánh
- Đồ khô: hành tím, tỏi
- Gia vị thông thường: muối, đường, hạt nêm, dầu ăn
Sơ chế nguyên liệu
Công thức 1: Sử dụng nấm hương
Rửa nấm trước sau đó ngâm tiếp với nước ấm trong khoảng 20 phút. Nấm sau khi đã mềm và nở đều thì tiến hành vắt nước và thái thành từng sợi nhỏ rồi băm nhuyễn. Bạn có thể giữ lại phần nước ngâm nấm để sử dụng nấu cháo giúp món ăn có được vị ngọt umami tự nhiên và lưu giữ được trọn vị thơm của nấm.
Công thức 2: Sử dụng nấm đùi gà
Khác với nấm hương, nấm đùi gà sẽ có các bước sơ chế phức tạp hơn một chút. Đầu tiên bạn ngâm phần nấm vào nước muối pha loãng trong thời gian là 20 phút. Tiếp đó, vớt nấm ra và rửa lại với nước thêm vài lần nữa. Lưu ý, vì đã ngâm trước với nước muối nên trong bước này, bạn hãy vừa rửa vừa vắt để tránh tình trạng nấm bị mặn.
Sau cùng, cắt nấm thành từng miếng vừa ăn rồi đựng phần nấm vừa sơ chế xong vào rổ cho ráo trước khi cho vào chế biến.Đối với các bé thì cắt càng nhỏ càng tốt để tránh con bị hóc hay nghẹn khi ăn. Về phần hành tím và tỏi, bạn chỉ cần đập dập và băm nhuyễn chúng là xong.
Tiếp theo là đến bước vo gạo. Mọi người đều có thói quen chà xát khá mạnh và vô tình làm mất đi một lượng lớn các chất dinh dưỡng. Thay vào đó, bạn nên khoắng gạo để có thể loại bỏ được tối đa các tạp chất và bụi bẩn. Hãy nhớ thực hiện quy trình này từ 2 – 3 lần nhé!
Thêm nữa, để gạo khi nấu sẽ chín nhanh và mềm hơn, bạn hãy tiếp tục ngâm gạo trong 30 phút. Sau đó để ráo nước và cho vào chảo rang cùng với tỏi phi cho đến khi hạt gạo khô lại và tỏa mùi thơm.
Quy trình chế biến
Bước 1: Xào sò điệp
Đầu tiên, phi thơm tỏi và hành tím đến khi hỗn hợp ngả vàng sau đó thì bắt đầu cho sò điệp vào. Trong quá trình xào nhớ đảo đều tay và cho thêm hạt nêm để phần thịt được đậm đà hơn. Bạn cũng chỉ nên xào sơ vì nếu chín kĩ sò điệp sẽ bị dai, khô và khá khó ăn, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Bước 2: Xào nấm
Sau khi cho sò điệp ra đĩa, tiếp tục đổ thêm dầu và thực hiện xào nấm với hành lá xắt nhỏ. Cũng giống như sò điệp, bạn sẽ đảo đều tay trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 phút đến khi nấm săn lại rồi nêm nếm thêm gia vị là đã xong.
Bước 3: Nấu cháo
Bạn cho 200 gam gạo đã rang ở trên vào 750 ml nước (trong đó có thêm cả phần nước ngâm nấm ở trên). Trong thời gian nấu phải luôn đậy nắp nồi và duy trì lửa nhỏ để cháo không bị trào ra ngoài. Sau 25 đến 30 phút khi cháo đã bắt chín thì đổ hỗn hợp sò và nấm vào khuấy đều. Đợi thêm tầm 5 phút nữa là món cháo thơm ngon đã hoàn thành.
2. Cháo sò điệp kết hợp rau cải bó xôi
Việc cho thêm các loại rau củ sẽ làm món cháo sò điệp cho bé trở nên hấp dẫn và cân bằng hương vị hơn. Tuy nhiên khác với các loại hải sản thông thường, không phải loại rau củ nào cũng có thể kết hợp với sò điệp.
Các nguyên liệu cần có:
- Gạo: 200 gam (8 phần gạo tẻ, 2 phần gạo nếp)
- Cồi sò điệp: 500 gam
- Rau cải bó xôi: 500 gam
- Tỏi: 3 tép
- Gừng: 1/4 củ
- Các gia vị cơ bản: dầu ăn, muối, hạt nêm
Sơ chế nguyên liệu
Sau khi ngâm và rửa phần cồi sò với nước muối pha loãng thì tiến hành băm nhỏ. Tương tự như vậy, với rau cải bó xôi bạn cũng rửa sạch với nước rồi xắt cho thật nhỏ. Tốt hơn cả, đối với 2 phần nguyên liệu này, bạn hãy sử dụng máy xay để nguyên liệu được nhuyễn. Tuy nhiên cũng không nên xay nát thành bột vì sẽ gây khó khăn cho quá trình xào phần nhân.
Quy trình chế biến
Bạn lần lượt tiến hành xào cồi sò điệp và rau cải bó xôi, sau đó nấu cháo trong vòng 30 phút rồi cho đồng thời cả 2 nguyên liệu vào cùng lúc. Trong quá trình nấu, cứ tầm 5 phút bạn hãy để ý khuấy cháo để không xảy ra tình trạng bị cháy đáy nồi nhé!
3. Cháo bí đỏ sò điệp tôm sú
Thêm một cách chế biến món cháo sò điệp cho bé cực kì hấp dẫn nữa chính là kết hợp cùng với bí đỏ và tôm sú. Đây là chắc chắn là công thức giàu dinh dưỡng nhất mà các mẹ không nên bỏ qua trong thực đơn đổi món cho con “kén ăn”.
Các nguyên liệu cần có
- Cồi sò điệp: 150 gam
- Tôm sú: 100 gam
- Bí đỏ: 200 gam (1 quả vừa)
- Gạo: 200 gam (8 phần gạo tẻ, 2 phần gạo nếp)
- Các gia vị cơ bản: muối, bột ngọt, nước mắm
Sơ chế nguyên liệu
Trong quy trình sơ chế này, ngoài sò điệp thì tôm sú cũng là một loại nguyên liệu đòi hỏi phải làm sạch và khử mùi kĩ. Đầu tiên là hãy ngâm chúng với phèn chua pha loãng để khử sạch mùi tanh trước khi thực hiện tách phần đầu ra khỏi thân tôm. Tiếp theo, bạn cũng sử dụng một con dao thật sắc và có bề mặt nhỏ để rạch 1 đường dọc lưng tôm và kéo phần chỉ đen ra.
Đối với nguyên liệu bí đỏ, bạn gọt vỏ và cắt thành từng khúc nhỏ để khi hấp nhanh chín hơn. Còn các nguyên liệu còn lại như tôm sú, sò điệp thì sau khi rửa sạch thì chỉ cần băm nhỏ chúng là xong.
Quy trình chế biến
Đầu tiên, hấp bí đỏ trong khoảng thời gian từ 20 đến 30 phút, sau đó đem đi dằm hoặc xay nhuyễn để cho vào nấu cùng cháo. Lưu ý, bỏ bí đỏ vào khi cháo đã được nấu chín tới. Sau khi bí đỏ đã hòa quyện vào cháo thì lần lượt cho cồi sò điệp và tôm sú đã xào sơ với nước mắm vào và nấu trong tầm 5 – 10 phút nữa là đã có thể thưởng thức.
Yêu cầu về thành phẩm
Đối với tất cả các công thức cháo sò điệp cho bé, yếu tố quan trọng nhất là nguyên liệu phải mềm, nhỏ và nhuyễn để không gây nguy hiểm cho con khi ăn. Đặc biệt, bạn hãy cân đo đúng liều lượng để các vị được cân bằng, hòa hợp và không lấn át nhau.
Trong thành phẩm cuối cùng, bạn có thể cho thêm gừng để dậy mùi hơn. Đồng thời đây còn là nguyên liệu khá tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Khi cháo sò điệp được kết hợp thêm nhiều nguyên liệu sẽ không chỉ tạo nên một thực đơn dinh dưỡng mà còn tạo nên một món ăn bắt mắt, nhiều màu sắc hấp dẫn trẻ nhỏ.
Cháo là một món ăn quen thuộc đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên nếu như các mẹ không liên tục thay đổi thực đơn và sử dụng nhiều nguyên liệu phong phú khác nhau thì con rất dễ rơi vào trạng thái chán ăn. Vì vậy, nếu như bạn đang tìm kiếm một menu đổi gió thì đừng bỏ qua các công thức cháo sò điệp cho bé mà DANAFISH để cung cấp trong bài viết này nhé!
Nguồn : Sưu tầm
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.